Khi hãng Ubisoft phát hành Prince of Persia: The Sands of Time vào cuối năm 2003, trò chơi hành động góc nhìn thứ ba này dường như ngay lập tức đã tạo nên thành công vượt trội nhờ cách chơi rất riêng biệt. Điểm hấp dẫn nhất đối với người chơi chính là những màn leo trèo tường, chạy nhảy như bay trên các mái nhà, lợi dụng các đồ vật, công trình để di chuyển đầy biến hóa và tất nhiên có cả giải đố, tránh bẫy rập hết sức thú vị. Ngoài ra, kỹ năng sử dụng chiếc dao găm thời gian cũng là một nét độc đáo khiến các game thủ đặc biệt yêu thích nhân vật hoàng tử Ba Tư. Với con dao găm này, anh có thể quay ngược lại thời gian tối đa 1 phút để đề phòng những lúc người chơi bị cùng đường, bí lối, tránh khỏi hiểm nguy mất mạng. Bên cạnh cách chơi hoàn hảo, bản thân cốt truyện của Prince of Prince of Persia: The Sands of Time cũng cực kỳ cuốn hút.
Tất nhiên là khi chuyển thể lên màn ảnh rộng, kịch bản điện ảnh sẽ được thêm thắt, sửa đổi đi rất nhiều chứ không thể trung thành tuyệt đối với kịch bản game. Bộ phim lấy bối cảnh vào thế kỷ thứ 6 tại nước Ba Tư đầy nắng và cát, có vua Sharaman trị vì. Đế chế Ba Tư hùng mạnh đang dần mở rộng bờ cõi từ tây sang đông. Trong một lần tình cờ đi ngoài phố, ông nhận cậu bé mồ côi Dastan về làm con nuôi. Lớn lên cùng hai vị hoàng tử trong hoàng tộc, đứa trẻ ngày nào giờ đây đã trở thành một chiến binh thông minh với những kỹ năng chiến đấu siêu việt.
Chỉ vì một âm mưu thâm độc mà ba vị hoàng tử Ba Tư đã tiến công thành phố Alamut cổ kính. Khi nhiệm vụ hoàn thành, số phận đưa đẩy Dastan nắm giữ trong tay bí mật liên quan đến dòng cát thời gian linh thiêng nằm sâu dưới thành Alamut cũng là lúc anh bị gán tội ám sát vua Sharaman.
Trong quá khứ, đã có rất nhiều bộ phim chuyển thể từ game gặp phải thất bại nặng nề chỉ vì một trong hai hai yếu tố: hoặc là không giữ được bản sắc của game, hoặc là kịch bản/đạo diễn quá tồi. Gần đây nhất, Lara Croft Tomb Raider: The Cradle of Life, Hitman, Max Payne chính là những ví dụ điển hình, dù các tác phẩm này vẫn còn khá khẩm hơn so với “cơn ác mộng” Alone in the Dark, Street Fighter: The Legend of Chun-Li, Far Cry, BloodRayne, In the Name of the King: A Dungeon Siege Tale (thật đáng ngạc nhiên khi quá nửa những bộ phim trên đều do đạo diễn Uwe Boll thực hiện). Chỉ có Resident Evil, Silent Hill và 5 phút góc nhìn thứ nhất trong Doom (95 phút còn lại khá tệ) là phần nào chiếm được cảm tình của khán giả.
Prince of Persia: The Sands of Time mới làm tốt được một nửa khi giữ được kha khá bản sắc của game trong phim. Rất nhiều pha hành động của Dastan khiến người xem phải lóa mắt thích thú. Anh nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác, sử dụng đủ mọi vật dụng (dây thừng, cọc gỗ, cửa sổ, chấn song, thanh gác mái) để di chuyển từ công trình kiến trúc này sang công trình kiến trúc khác, chạy trên lưng đàn ngựa như trên mặt đất… Các cảnh quay kể trên được thực hiện vô cùng mãn nhãn kết hợp với phần dựng phim nhịp độ nhanh khiến hầu hết trường đoạn phiêu lưu / hành động trong phim đặc biệt sinh động. Từ những chi tiết cử động, bay nhảy trên màn hình máy tính (video game), các nhà làm phim đã “chuyển thể” nó rất tốt lên màn ảnh rộng.
Phần nội dung của Prince of Persia tuy cuốn hút nhưng thể hiện lại rườm rà, dài dòng bằng vô số câu thoại lê thê mô tả lại sự việc cho khán giả. Dường như đạo diễn Mike Newell sợ người xem không theo kịp các tình tiết trong phim, không hiểu được cảm xúc, tâm lý nhân vật nên ông để họ diễn giải quá nhiều, ngay cả trong những trường đoạn gay cấn, cần sự khẩn trương nhất. Bên cạnh đó, cuộc phiêu lưu của Dastan đi từ vùng đất này qua vùng đất khác được kết nối rời rạc. Đôi khi có những chi tiết làm loãng cả không khí bộ phim như cảnh đua đà điểu hay các màn “đấu đá” quá lâu giữa hoàng tử Dastan và công chúa Tamina.
Prince of Persia: The Sands of Time do hãng Walt Disney sản xuất và được phân loại PG-13 (trẻ em dưới 13 tuổi cần có người xem cùng) nên không có gì ngạc nhiên khi bộ phim thích hợp với trẻ em hơn là người lớn. Không có yếu tố căng thẳng cần thiết, sự hài hước đôi khi thiếu nhiều gia vị, các trường đoạn chiến đấu không đủ sự dữ dội và hoành tráng, tính chất kỳ ảo huyền bí chưa được đẩy lên cao để người xem cảm thấy tò mò.
Vẫn biết đây chỉ là bộ phim hè, thuộc dạng phim giải trí thuần túy nhưng rõ ràng khán giả có quyền đòi hỏi chất lượng cao hơn nữa, nhất là khi Jerry Bruckheimer đích thân bắt tay vào sản xuất. Có lẽ ông cùng Walt Disney không đơn thuần bỏ ra 200 triệu USD chỉ với mong muốn thực hiện một phần Prince of Persia. Jerry hoàn toàn có quyền hy vọng vào việc xây dựng bộ ba phần Hoàng Tử Ba Tư như thành công của The Pirates of the Caribbean đạt được trong quá khứ.
Đối với những ai yêu thích trò chơi Prince of Persia, có thể khẳng định bộ phim đã lột tả rất tốt cảm giác khi bạn đang nhập vai vào game. Thật đáng tiếc, đó là tất cả những gì mà phiên bản điện ảnh làm được. Giấc mơ về một trilogy (phim 3 phần) của Jerry có lẽ khá xa vời. Thế nhưng, nếu bạn tới rạp chỉ để thưởng thức những pha hành động đặc sắc thì Hoàng Tử Ba Tư: Dòng Cát Thời Gian là một sự lựa chọn tuyệt vời.